Pages

Thursday, September 6, 2012

Tóm lược quyển Thế Giới Phẳng[1] (Thomas L. Friedman, NXB Trẻ, 2006)

Thomas L. Friedman, biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, viết về đề tài toàn cầu hóa rất thành công, đã gây ra rất nhiều tranh cãi và tạo ra nhiều hướng đi khác nhau trong nghiên cứu học thuật về tác động của toàn cầu hóa. Sau thành công của tác phẩm “Chiếc Lexus và cây Ô-liu” nói về toàn cầu hóa xảy ra ở cấp độ quốc gia và sự ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế và công ty đa quốc gia; trong tác phẩm “Thế giới phẳng” (The World is Flat, 2005) gồm 15 chương được chia ra sáu chủ điểm, Friedman đã tóm lược lịch sử phát triển thế giới dưới tác động của toàn cầu hóa theo ba kỷ nguyên phát triển chủ yếu[2]. Kỷ nguyên thứ nhất (hay toàn cầu hóa 1.0) xảy ra từ năm 1492 đến 1800 khi Columbus tình cờ khám phá ra châu Mỹ, kích thích sự phát triển thương mại giữa Thế giới Cũ và Thế giới Mới kèm theo sự mở rộng của chế độ thực dân và sự tận dụng sức mạnh cơ bắp của con người là động lực chủ yếu. Toàn cầu hóa trong giai đoạn này xảy ra ở cấp độ quốc gia trong quá trình cạnh tranh và sự cố gắng vươn mình ra khỏi phạm vi biên giới lãnh thổ (trang 25). Giai đoạn 2.0 bắt đầu từ 1800 đến khoảng năm 2000 với sự gián đoạn của cuộc Đại Khủng hoảng ở Mỹ vào thập niên 20 của thế kỷ 20 và hai cuộc Chiến tranh Thế giới. Tác nhân chủ yếu của toàn cầu hóa thời gian này là do sự phát triển vượt bậc của thông tin, vận tải, và sự thống trị kinh tế và ảnh hưởng chính trị của các công ty đa quốc gia lên vai trò chính phủ. Vấn đề cốt lõi của toàn cầu hóa của thế kỷ 20 là sự vươn mình của các tập đoàn kinh tế đã phá vỡ các rào cản cho sự hội nhập kinh tế quốc tế (tr. 26).


Trong tác phẩm Thế giới phẳng, Friedman nhấn mạnh đến sự phát triển toàn cầu hóa giai đoạn 3.0 từ những năm đầu của thế kỷ 21 khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước. Bài viết này nhấn mạnh đến các tác nhân làm phẳng thế giới và các tranh luận của tác giả về một thế giới không phẳng. Phần cuối của bài viết trình bày một số quan điểm cá nhân của người viết về tác phẩm này.


Mười nhân tố làm phẳng thế giới

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 và sự lớn mạnh của phần mềm Windows đã “làm nghiêng cán cân quyền lực” (tr. 82) về tay những ai cổ súy hướng phát triển thị trường tự do và cách quản lý từ cơ sở lên trung ương chứ không phải theo hướng ngược lại. Các cách tổ chức hành chính và quản lý bắt đầu được tiến hành theo hướng nằm ngang thay vì theo trục thẳng đứng khi mọi người đều được trao quyền tự do và bình đẳng trong cuộc sống. Sự kiện này giúp các nước thay đổi cách tư duy về thế giới theo một thể thống nhất toàn cầu, và nó thúc đẩy việc khai tháctri thức của nhau trong khoảng thời gian ngắn nhất. Một tác nhân không kém phần quan trọng trong thời kỳ phát triển rực rỡ của nền kinh tế tri thức toàn cầu là sự ra đời, cải tiến liên tục của máy tính cá nhân và phần mềm Windows (được dịch ra 38 ngôn ngữ), tạo điều kiện tốt cho cuộc cách mạng thông tin toàn cầu. Hai sự kiện này giúp nhân loại xích lại gần nhau hơn trong phạm vi xử lý công việc, giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa các cá nhân.

Sự ra đời của mạng web với sự xuất hiện của mạng toàn cầu với www. vào năm 1991 do ông Tim Berners-Lee thiết kế, đã giúp các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu và giúp người ta truy cập thông tin nhanh hơn bao giờ hết. Hệ thống ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML, định vị tài nguyên duy nhất URL hay giao thức truyền siêu văn bản HTTP, v.v… đã cho phép những người bình thường với kiến thức mạng có thể làm chủ các trang web và kết nối với các nguồn tài liệu khác trên toàn cầu, và nó thật sự giúp nhân loại tiến lại gần nhau hơn, không những trong giao tiếp điện tử mà còn cả việc truyền tải và truy cập thông tin (tr. 97). Sự ra đời của cáp quang thương mại băng rộng có tín hiệu cao và được truyền tới khoảng cách xa bằng vận tốc nhanh nhất đã tạo ra cuộc cạnh tranh và cải tiến vượt bậc của các công ty viễn thông. Ngoài ra, cuộc cách mạng kỹ thuật số trong hầu như các lĩnh vực kinh tế và giải trí chủ đạo đã dẫn đến sự bùng nổ giao dịch chứng khoán của các công ty dot.com (công ty kinh doanh trên Internet). Sự kiện này khiến cho cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm số dễ dàng hơn và có thể tương tác thương mại với các cá nhân khác trên phạm vi toàn cầu.

Phần mềm xử lý công việc là một nhân tố làm phẳng khác. Các công việc kinh doanh và thương mại bây giờ hầu như được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa máy tính cá nhân với Windows và mạng, cho phép nhân viên kiểm soát nội dung số các dữ liệu. Đặc biệt giao thức truyền thư đơn giản SMTP, giao thức kiểm soát truyền thông tin/giao thức Internet TCP/IP được ví như đường ray xe lửa, thúc đẩy việc trao đổi các thông tin điện tử giữa các máy tính khác nhau dễ dàng hơn. Với sự phát triển của thương mại điện tử (E-Commerce), các giao dịch thương mại được thực hiện dựa trên các chuẩn mực mới. Công việc được chia nhỏ ra thành các công đoạn khác nhau, và hệ thống phần mềm cho phép các cá nhân thực hiện ở mọi nơi trên thế giới. Khái niệm kết nối và sử dụng (plug and play) đã thúc đẩy sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ở hình thái cộng tác và cùng xây dựng liên minh.

Tải lên mạng và mã nguồn mở do cộng đồng phát triển đã giúp các cá nhân có nhiều tiếng nói và được lắng nghe hơn bao giờ hết. Quyền lực mới của các cư dân mạng (net citizens) là khả năng gửi các ý tưởng, sản phẩm hay chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm với các cá nhân và cộng đồng khác thông qua mã nguồn mở. Sự phân phối lại quyền lực này được thực hiện ngoài thể chế truyền thống áp đặt từ trên xuống dưới và giúp cho các cá nhân không chỉ đơn thuần là người sử dụng thông tin, mà họ còn là người sản xuất thông tin trên các công cụ điện tử như blogging (với khoảng 24 triệu blogs), hay bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Tác nhân này thúc đẩy sự ra đời và lớn mạnh của nghề báo công dân (civic journalism) khi độc giả cũng có thể trở thành người đóng góp tin tức và bình luận. Tuy nhiên, không phải các thông tin đều được sử dụng đúng mục đích hay kiến thức mới được sản sinh một cách xác thực và khoa học. Mã nguồn mở cũng là công cụ đắc lực cho các thế lực tội phạm khủng bố, tin tặc hay những kẻ xuyên tạc sử dụng để gây ảnh hưởng xấu lên cả cộng đồng quốc tế.

Thuê làm bên ngoài là một hoạt động thuê lao động nước ngoài thực hiện một số công đoạn mà mình không thể thực hiện được và sau đó gắn kết quả thực hiện vào dây chuyền sản xuất chung của mình. Tận dụng vào nguồn lao động có kỹ năng cao và rẻ tiền cộng với sự chênh lệch múi giờ địa lý ở các nước đang phát triển, các nước phát triển có thể khai thác năng lực trí tuệ của các công nhân tri thức ở đây. Yếu tố đầu tiên tác động đến trào lưu này là sự kiện Y2K khi Mỹ và Ấn Độ cùng hợp tác để giải quyết sự cố máy tính. Bằng cách sử dụng các trạm kết nối cáp quang, các chuyên gia hai nước có thể thực hiện các hoạt động điều chỉnh máy tính cách nhau nửa vòng trái đất. Sự hợp tác Y2K này là một ví dụ điển hình về sự hợp tác và phân công lao động quốc tế dựa vào công nghệ thông tin và sự di cư lao động xuyên quốc gia.

Chuyển sản xuất ra nước ngoài cũng góp phần làm phẳng thế giới. Đây là quy trình di chuyển cơ sở sản xuất đến những nước có lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn dưới sự bảo hộ của các qui tắc thương mại quốc tế. Với việc gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc có thể thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy sản xuất, và họ trở thành một “mối đe dọa, một khách hàng, và một cơ hội” (tr. 216) cho các nước khác. Trung Quốc đã gây thiệt hại cho không ít các công nhân và ngành nghề chế tạo trên thế giới nhưng lại là “của trời cho” đối với người tiêu dùng vì sản phẩm mang giá cạnh tranh của họ. Điều này cũng kích thích sự cạnh tranh và cải thiện sản xuất từ các nước láng giềng và góp phần làm phẳng quá trình cạnh tranh thương mại quốc tế. Khái niệm “Trung Quốc + 1” (tr. 220) là một lời cảnh báo thông minh cho các nhà đầu tư khi họ không nên tập trung quá nhiều vốn vào một nước vì khả năng xảy ra rủi ro tài chính rất cao.

Nhân tố thứ bảy là chuỗi cung, một phương pháp cộng tác theo chiều ngang giữa các nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng với chi phí vận chuyển thấp nhất trong thời gian ngắn nhất và đáng tin cậy nhất. Với hệ thống bán lẻ lớn, Wal-Mart đã trực tiếp thương lượng với các nhà sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất, liên tục cải thiện chuỗi cung từ các nhà sản xuất đến trung tâm phân phối của họ, và thường xuyên cải thiện hệ thống thông tin để nắm bắt thị hiếu của khách hàng đồng thời thông báo ngay lập tức đến nhà sản xuất. Việc sử dụng các thiết bị truyền thông hiện đại hỗ trợ rất nhiều trong việc cắt giảm đáng kể các chi phí vận chuyển và lưu hàng tồn kho, giúp các sản phẩm khác nhau trên thế giới có thể đến tận tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý nhất.

Thuê bên ngoài làm là một phương thức hợp tác nằm ngoài tầm quản lý của chuỗi cung khi nó có thể làm đồng bộ hóa các chuỗi cung bằng các công tác hậu cần cần thiết. Các công ty làm thuê này phục vụ và hỗ trợ cho các chuỗi cung hoạt động hiệu quả và nhanh chóng hơn. Hầu như đây là dịch vụ quản lý thứ ba (bên cạnh nhà sản xuất và người phân phối) giúp hàng hóa hay các yêu cầu khách hàng từ khắp nơi trên thế giới có thể được vận chuyển và giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả, nó đã tạo ra một sân chơi khá công bằng cho những ai có năng lực làm công tác dịch vụ và cung cấp hậu cần tốt.

Nhân tố thứ chín liên quan đến việc cung cấp thông tin.  Với sự phát triển của Google (cách chơi chữ của “googol”, một con số đại diện bởi chữ số 1 và theo sau là hàng trăm con số 0, phản ánh phương châm sắp xếp khối lượng thông tin dường như vô tận và đưa lên mạng, tr. 272), Yahoo hay MSN, người ta có thể xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thông tin, kiến thức, giải trí và truyền thông mà không có ranh giới về giai cấp hay giáo dục. Các công cụ giao tiếp điện tử này đã thu hẹp trái đất hình cầu này lại, khi từng cá nhân có thể giao tiếp với các cá nhân khác mà họ có thể chưa bao giờ biết đến. Những cộng đồng di cư trên mạng này có thể sống trong những ngôi nhà ảo, và vì vậy sự an toàn hay tính bảo mật cá nhân không còn được như trước nữa.

Các nhân tố xúc tác khác cũng góp phần làm phẳng thế giới. Nhân tố đầu tiên của nhóm này liên quan đến công nghệ thông tin khi nó có khả năng tính toán, lưu trữ và cung cấp đầu vào - đầu ra. Cuộc cách mạng số học giúp cho quá trình sản xuất, điều chỉnh và truyền phát thông tin đạt được tốc độ cao do chính các cá nhân thực hiện vì mục đích của riêng họ trên các thiết bị của họ. Nhân tố thứ hai là những bước tiến dài về các mã nguồn chia sẻ tài liệu theo hình thức đồng đẳng. Các bước đột phá về công nghệ liên lạc thông qua mạng, như điện thoại VoIP, cho phép chuyển các tín hiệu âm thanh thành tín hiệu số để gửi lên Internet và sau đó được chuyển thành tín hiệu âm thanh trở lại. Điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng hóa trong ngành viễn thông, không những về việc nâng cao các thiết bị kỹ thuật mà còn cả việc cung cấp các dịch vụ với giá cả ưu đãi hơn. Nhân tố thứ tư là khả năng đàm thoại video khi doanh nhân có thể tham dự buổi họp quốc tế tại địa phương của mình thông qua một màn hình hiển thị cuộc họp ở nước ngoài. Công nghệ đồ họa với những tiến bộ trong trò chơi máy tính với những giao diện bắt mắt hơn là nhân tố xúc tác thứ năm. Yếu tố quan trọng thứ sáu là việc ứng dụng các thiết bị không dây trong công nghệ truyền thông.

Khi mười hay một số tác nhân cùng đồng thời diễn ra, các cá nhân dường như chịu sự tác động của toàn cầu hóa theo một chiều hướng khác. Tiến trình này không chỉ là sự trao đổi hay giao tiếp đơn thuần giữa các chính phủ hay các tập đoàn kinh tế mà là sự tương tác giữa các cá nhân dẫn đến sự thay đổi vai trò của họ trong cộng đồng quốc tế. Để có thể gia nhập tiến trình này, các cá nhân phải có những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Vì vậy, giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công tác đào tạo ra những công dân kiến thức hội đủ bốn chỉ số: IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số tình cảm), CQ (chỉ số tò mò, tìm hiểu), và PQ (chỉ số đam mê). Tuy nhiên, theo Friedman, một số nơi hay nhóm người vẫn không thể được tham gia vào sân chơi công bằng này cho dù quá trình làm phẳng đã đang diễn ra mạnh mẽ.

Các nhân tố không làm thế giới hoàn toàn phẳng

Sự lạm dụng kỹ thuật bậc cao đã khiến cho các thông tin lẽ ra được bảo mật lại bị rò rỉ, và cá nhân có thể bóp méo các thông tin. Các thế lực tội phạm, Hồi giáo cực đoan và khủng bố đã khai thác triệt để công nghệ bậc cao này hòng khơi dậy mâu thuẫn chủng tộc và tôn giáo. Đồng thời, vẫn còn có hàng triệu người trên thế giới bị bỏ lại trong cuộc đua phẳng toàn cầu này do không có khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học trên thế giới. Ngoài ra, dịch bệnh như AIDS, sốt rét, lao, bại liệt, đói kém hay các chuẩn mực sống thấp không những hạn chế sự phát triển cá nhân mà còn cướp đi hàng triệu mạng sống trên thế giới. Dường như nước nghèo lại càng bị tụt hậu hơn trong tiến trình hội nhập này nếu không có sự giúp đỡ và viện trợ nhân đạo của các cộng đồng quốc tế. Và cũng do chính các tác nhân làm phẳng đã tạo cơ hội cho các hiểm họa này lan rộng khắp toàn cầu trong khoảng thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, sự phân phối quyền lực không đồng đều và mất cân đối giữa các tầng lớp người dân tạo ra sự phân tầng trong xã hội càng cao hơn. Hàng trăm triệu người ở nông thôn Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Âu có thể thấy được các diễn biến làm phẳng nhưng không thể hưởng lợi được gì cả từ tiến trình này. Cung cách quản lý nhà nước lạc hậu, mục ruỗng hay tham nhũng đã trực tiếp phá hỏng “cái bánh lớn” (tr. 676) mà sự hội nhập quốc tế đem lại cho quốc gia của họ. Phong trào chống lại toàn cầu hóa đã xảy ra, điển hình là thời điểm Hội nghị WTO tại Seattle năm 1999, và sau đó lan rộng ở các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới hay Quĩ Tiền tệ Quốc tế. Theo Friedman, phong trào này do năm thế lực thúc đẩy. Một là do các thế lực thượng lưu và trung lưu ở Mỹ tỏ ra quan tâm đến tệ nạn bóc lột công nhân ở các nhà máy. Thế lực thứ hai xuất phát từ phe cựu cánh tả theo chế độ bảo hộ, chống lại sự thâm nhập và ảnh hưởng của các thế lực kinh tế nước ngoài. Loại hình thứ ba bao gồm các nhóm người từ nhiều quốc gia khác nhau ủng hộ toàn cầu hóa một cách rất thụ động vì lo ngại rằng quá trình làm phẳng sẽ làm biến mất trật tự thế giới cũ. Thế lực thứ tư ảnh hưởng từ chủ nghĩa bài xích Mỹ ở châu Âu và Hồi giáo. Tầng lớp thứ năm đang được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng thế giới vì họ là những tổ chức nhân đạo phi chính phủ, các nhà hoạt động môi trường nghiêm túc và có thiện chí.

Khi thế giới xích lại gần nhau hơn, sự cọ xát của các nền văn hóa và các xung đột sắc tộc là điều không tránh khỏi. Trong thế giới phẳng này, hàng triệu cá nhân chưa từng biết mặt nhau có thể đồng thời cung cấp và phá hoại thông tin của nhau. Một khi họ không còn lòng tin cho nhau, họ sẽ vấp phải các mâu thuẫn liên quan đến tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa. Hồi giáo tả khuynh đã lợi dụng thời cơ để khuấy động cuộc thánh chiến khắp toàn cầu. Nhân loại đang thật sự sống trong một thế giới đang mất an toàn với các nguy cơ về khủng bố và chiến tranh. Cuối cùng, sự phát triển kinh tế do sự tận dụng khoa học kỹ thuật không bền vững dẫn đến sự tàn phá môi trường. Ví dụ, việc nhập khẩu 30.000 ô tô mới mỗi tháng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Bắc Kinh phải đối phó với sự ô nhiễm không khí và sự xuống cấp trầm trọng của môi trường đô thị. Mỗi năm họ tốn mất 170 tỉ đô la để cải thiện môi trường của mình. Ngoài ra, thế giới cũng đang thật sự đối mặt với sự khan hiếm nguyên liệu thô, các nguồn tài nguyên và năng lượng.


Quyển sách là một thành công lớn của Friedman trong giới học thuật về toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cách viết của ông thông qua các câu chuyện dông dài đượm màu sắc báo chí và thông tin nhiều hơn các phân tích học thuật (và vì thế nó lại phù hợp hơn với các kiểu độc giả khác nhau). Được viết theo quan điểm của một người Mỹ, quyển sách hầu như chỉ nói về các sự kiện đã xảy ra, nên văn phong thiên nhiều về kể chuyện và không thể dự đoán tương lai. Các nhân vật, công ty và quốc gia mà ông đề cập đến trong sách là những tên tuổi cực kỳ nổi tiếng như Bill Gates, David Neeleman, Nilekani, IBM, Goldman Sachs, Microsoft, Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc, v.v… Thế giới trong các câu chuyện của ông quanh quẩn ở các trụ sở hay nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia, các sân golf, hay khách sạn năm sao. Những người, những quốc gia nhỏ bé như Xô-ma-li, Kenya, bộ tộc Maori hay Aborigines, v.v… và ba tỉ người nghèo đói trên thế giới lại không hề được nhắc đến, chẳng qua là một sự phân loại họ theo một nhóm người bị thiệt hại mà thôi. Lẽ ra, độc giả có thể thấy được thế giới không hề bằng phẳng và sang trọng chút nào trong nội tại các cộng đồng bất lợi này và khi họ tiếp xúc với các cộng đồng khác. Sau khi đọc xong một vài chương đầu, độc giả có thể cảm thấy mình vừa mới xem qua một bộ phim quảng cáo của Mỹ về các tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới thay vì am hiểu được quan điểm trình bày của tác giả theo góc nhìn địa - chính trị.

Liên quan đến vấn đề sắc tộc, Friedman dẫn chứng các khía cạnh xung đột văn hóa khá đơn giản và trơn tru mà không thể nói rằng cốt lõi của các vấn đề này vẫn còn nằm ở quyết định của mỗi cá nhân. Chính sự tương tác theo chiều hướng tiêu cực (ví dụ như xúi giục hay cưỡng chế) mà các cá nhân đã tụ tập thành từng nhóm cực đoan riêng biệt. Lòng tin vào bản thân hay cá nhân khác, như chương cuối của quyển sách đề cập, vẫn còn chưa đủ vì lòng tin có thể tạo ra ảo vọng và ngộ nhận. Đây nên là lúc tác giả nên đưa ra các suy luận về khuynh hướng phản ứng thực tế của cộng đồng thế giới về họ, vì nếu nhân loại càng quan tâm đến vấn nạn này, họ sẽ tiến lại gần nhau hơn. Ông đưa ra các sự so sánh giữa các trào lưu văn hóa hơn là phân tích, dựa trên các định kiến xã hội về tôn giáo và mâu thuẫn văn hóa hơn là các quan điểm nhân văn. Vì vậy, cách dẫn chuyện của ông khiến người đọc chỉ mơ hồ hiểu rằng có hai thế giới khác biệt hoàn toàn đang tồn tại song song: một của những người thuộc tầng lớp tinh hoa của xã hội và đang thừa hưởng tiện ích của thế giới phẳng, thế giới kia là của những người thuộc tầng lớp cuối cùng của thế giới văn minh - tầng lớp ngoại vi. Như vậy, thế giới chẳng qua cũng là thế giới hình cầu bị đánh dẹt theo hai trục Bắc - Nam và mọi người tiếp tục bị phân tầng gián tiếp mà thôi. Điều này mâu thuẫn với nhận định của ông về sự tương tác công bằng giữa các cá nhân trong thế giới dễ tiếp xúc này ở các chương đầu của sách.

Trong tác phẩm Chiếc Lexus và cây Ô-liu, ông đưa ra lý thuyết “The Golden Arches Theory of Conflict Prevention” – Lý thuyết khung vàng về ngăn ngừa xung đột. Trong những năm 1990, ông đã quan sát và thấy rằng không có hai quốc gia nào có cơ sở của tập đoàn McDonald lại tranh chấp biên giới hay diễn ra nội chiến bên trong cả. Từ đó, dựa trên biểu tượng của McDonald là hình chữ M màu vàng, ông đưa ra lý thuyết này, viện dẫn rằng các tập đoàn kinh tế có ảnh hưởng to lớn lên sự hội nhập kinh tế và các nước phải gắn kinh tế và tương lai của mình vào thương mại toàn cầu. Khi đó, các nước sẽ tránh gây chiến với nhau vì mục tiêu phát triển kinh tế của mình. Thế giới phẳng lại tiếp tục đưa ra một lý thuyết khác, “The Dell Theory of Conflict Prevention”, Lý thuyết Dell về ngăn ngừa xung đột. Ông cho rằng sự phát triển của dây chuyền cung ứng nhanh là một trong những nhân tố kiềm chế xung đột khi hai quốc gia cũng nằm trong một chuỗi cung. Hai quốc gia chỉ muốn giao các loại hàng hóa nhanh chóng và hưởng thụ mức sống cao hơn mà thôi. Chiến tranh vẫn xảy ra, nhưng các chính phủ phải cân nhắc các lựa chọn một cách cẩn thận trước khi đưa ra một quyết định chính trị. Vi phạm các lợi ích kinh tế chưa chắc là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh trong thế kỷ này. Tham vọng bành trướng ảnh hưởng kinh tế của các nước phát triển và của các tập đoàn kinh tế lên lĩnh vực chính trị của các quốc gia khác vẫn còn được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh, không những về quân sự mà còn cả về đời sống kinh tế và xã hội.

Các tác nhân làm phẳng thế giới đều được đề cập đơn thuần theo góc độ kinh tế thay vì phân tích ảnh hưởng của nó lên vai trò chính trị của các cá nhân trong thời đại mới, từ đó có thể dẫn đến các thay đổi về thể chế xã hội và chính trị. Một số tác nhân làm phẳng thế giới, ví dụ như chuỗi cung, không thật sự làm phẳng toàn bộ thế giới nơi vẫn còn có quá nhiều người thuộc nhóm bất lợi. Công nghệ bậc cao dường như đã làm phẳng bề mặt của thế giới nhưng vẫn chưa thể len lỏi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống hoặc ở những vùng địa lý khác nhau. Những sự kiện đương đại khác ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như chiến tranh ở  I-rắc, sự kiện 11/9, việc thử hạt nhân của Triều Tiên hay diễn đàn APEC, cũng xứng đáng khiến cả cộng đồng thế giới quan tâm vì nó liên quan mật thiết đến cuộc sống, phát triển và sinh tồn của từng cá nhân. Nhìn chung, Thế giới phẳng là một tác phẩm hay, thể hiện được kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm về kinh doanh và ngoại giao của một nhà báo quốc tế lão luyện.



[1] Friedman, T. L. (2006). Thế giới phẳng (818 trang). Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ.
[2] Độc giả có thể tham khảo thêm lịch sử phát triển của toàn cầu hóa trong bài viết Toàn cầu hóa – Lịch sử tiến hóa của nhân loại(28/07/2006) của tác giả Nguyễn Hồng Chí trên trang web Vietsciences tạihttp://vietsciences.org/timhieu/tramhoa/toancauhoa.htm


           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org 
nguyễn Hồng Chí

0 comments:

Post a Comment