GIỚI THIỆU
Toàn cầu hóa (globalization) là một thuật ngữ thường xuyên được nói đến trong kinh tế chính trị và trong cuộc sống hàng ngày. Ở Việt Nam, thuật ngữ này chỉ được đề cập sau thời kỳ thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986. Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 6 năm 1986 đã cho rằng sự đóng cửa hay khép kín nền kinh tế nội địa là nguy cơ gây tụt hậu phát triển kinh tế. Thay vì vậy, Việt Nam phải mở cửa ra thị trường thế giới bên cạnh việc giữ vững độc lập và an ninh lãnh thổ theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc họp Thượng đỉnh của khối ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội ngày 15 tháng 12 năm 1998, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định rằng các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức và cơ hội khi gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam hay ASEAN, tất nhiên, không phải là những cá nhân duy nhất tham gia vào tiến trình này.
Với quan điểm trung lập về sự phát triển của toàn cầu hóa, bài viết đưa ra định nghĩa về toàn cầu hóa và truy tìm nguồn gốc của tiến trình này nhằm chứng minh rằng các giai đoạn phát triển của nó đều gắn liền với sự phát triển lịch sử tất yếu của nhân loại. Toàn cầu hóa thật sự đã ảnh hưởng khác nhau lên cuộc sống của nhân loại ở từng thời kỳ, và điều quan trọng hơn là Việt Nam hay các nước đang phát triển khác phải hiểu được bản chất của tiến trình để có thể tận dụng thời cơ, đối mặt thách thức và tìm các biện pháp ngăn ngừa các ảnh hưởng tiêu cực hữu hiệu khi cần.
ĐÔI NÉT VỀ TIẾN TRÌNH TOÀN CẦU HÓA
Kể từ buổi đầu của thời kỳ phong kiến, biên giới kinh tế, chính trị và văn hóa giữa các quốc gia trở nên khó bền vững hơn mặc dù độc lập lãnh thổ và bản sắc riêng của mỗi dân tộc vẫn được tôn trọng và bảo vệ. Với sự hợp tác quân sự của các nước Đồng minh trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ II và những phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, giao thông và thông tin từ nửa sau thế kỷ 20, thế giới dường như được thu hẹp lại về cả thời gian lẫn không gian cho dù còn nhiều nơi và dân tộc khác vẫn còn cô lập với thế giới hiện đại. Lần đầu tiên vào năm 1944, từ điểnMerriam Webster đã công nhận động từ «toàn cầu hóa» (globalize) như một từ tiếng Anh có nghĩa.
Với sự phát triển và chuyển giao khoa học xảy ra trên quy mô lớn đã giúp các nước xích lại gần nhau hơn và hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị và xã hội. Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1 năm 1999 đã khẳng định toàn cầu hóa không còn là một xu thế nữa, mà nó trở thành một thực tế mang nhiều cơ hội và thách thức cho các quốc gia. Một trong những ví dụ nổi bật của toàn cầu hóa là sự hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ ngoại giao của các quốc gia. Tiến trình này đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trên thế giới với sự gia tăng GDP toàn cầu từ 2,7 lần vào nửa đầu thế kỷ 20 đến 5,2 lần vào nửa cuối thế kỷ 20, và tốc độ tăng trưởng GDP thế giới đạt đến 3,6%/năm. Ví dụ như đối với Việt Nam, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 167 nước, có quan hệ thương mại với 160 nước, và có thể thu hút đầu tư trực tiếp của các công ty và tập đoàn kinh tế của hơn 70 quốc gia. Ngoài ra, sự ra đời của các tổ chức quốc tế trong kinh tế, văn hóa, an ninh hay giáo dục ví dụ như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, EU, UN, UNESCO, v.v... hay các khu vực thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khu vực (RTA) là những minh chứng của tiến trình này. Sự hợp tác kinh tế và sản xuất quốc tế được thể hiện trong một ví dụ cổ điển khác của việc sản xuất máy bay Airbus. Đôi cánh của Airbus được sản xuất tại Anh, thân và đuôi của Đức, cửa máy bay do Tây Ban Nha sản xuất, và Pháp chịu trách nhiệm thiết kế buồng lái và công đoạn lắp ráp cuối cùng. Ngoài ra, Airbus còn ký hợp đồng với 27 quốc gia khác để sản xuất các thiết bị cần thiết, với khoảng 35% các chi tiết trong máy bay do hơn 500 công ty của Mỹ cung cấp.
Có nhiều định nghĩa và quan điểm khác nhau về toàn cầu hóa và quá trình phát triển của nó mặc dù nhiều người vẫn hay cho rằng toàn cầu hóa giống như quốc tế hóa ở sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng sản xuất và sự hợp tác xuyên quốc gia của các nước trong lĩnh vực kinh tế. Tiến trình này cũng được xem như hệ quả tất yếu của sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng của lực lượng sản xuất và sự tương tác kinh tế quốc tế. Tuy nhiên không chỉ đơn thuần là sự xích lại gần nhau của các nước, toàn cầu hóa là tiến trình bao gồm một hoặc hàng loạt các sự kiện và hoạt động về kinh tế, chính trị, văn hóa hay môi trường trên thế giới có tác động vừa tích cực lẫn tiêu cực giữa các quốc gia. Đây được xem như là kết quả của sự phát triển sản xuất và phân công lao động trên bình diện quốc tế. Những tác động này đã và đang làm thay đổi cấu trúc và quan hệ xã hội, trật tự thế giới và gia tăng mối quan hệ về kinh tế, chính trị và xã hội quốc tế.
Nhìn chung có ba quan điểm khác nhau về hiện tượng toàn cầu hóa. Hầu hết các quốc gia đều xem đây là một hiện thực mới trong thời kỳ cạnh tranh kinh tế quốc tế mà các cá nhân, tập đoàn kinh tế và chính phủ phải chấp nhận tìm cách đối phó và khai thác lợi ích của nó. Nhờ vào những sự phát triển của công nghệ, truyền thông và giao thông nên con người, hàng hóa, ý tưởng và đồng vốn có thể dịch chuyển xuyên quốc gia. Theo quan điểm này, toàn cầu hóa cũng được xem như một cơ hội và thách thức cho các quốc gia đang phát triển trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hai chiều với các quốc gia phát triển. Những phát minh và chuyển giao công nghệ về thông tin và giao thông cũng đã nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích to lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao lưu kinh tế và kiến thức mới cho các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, một số học giả như Pierre Bourdieu, Namoi Klien hay Loic Wacquant từng lên tiếng chỉ trích tiến trình toàn cầu hóa, cho rằng nó là quá trình «Mỹ hóa» (Americanization) hay bề mặt của chủ nghĩa đế quốc mới của Mỹ và các nước tư bản phương Tây. Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường quốc trên thế giới và các nước khác dường như máy móc lấy các kiểu mẫu hay chính sách của Mỹ để làm thước đo chuẩn mực cho riêng mình hay cho các hoạt động kinh tế quốc tế. Theo quan điểm bảo thủ của họ, chúng ta dường như quá lạm dụng những mỹ từ mới như «toàn cầu hóa», «đa văn hóa», «thời đại mới» hay «hậu hiện đại», nhưng lại thiếu những hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa tư bản, hay bất công và phân tầng trong xã hội. Họ tranh cãi rằng các tổ chức toàn cầu – đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cộng đồng chung châu Âu (EU)… chẳng qua là những tổ chức do các cường quốc sáng lập, và là phương tiện để họ bảo vệ lấy mình, thực thi quyền lực và ảnh hưởng lên các nước đang phát triển ở vị trí ngoại vi. Các tập đoàn quốc tế này đang thao túng sự cô lập biên giới kinh tế và chính trị giữa các quốc gia, làm mờ nhạt vai trò của nhà nước và chính phủ. Thật ra, mặc dù quan điểm của các học giả này là bênh vực các nước nghèo đến mức thái quá trong cuộc chạy marathon không cân sức này, họ vẫn đúng khi cả thế giới đang ở đỉnh cao của sự phân cực. Ví dụ, theo một báo cáo của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) năm 1997, tỷ lệ chênh lệch thu nhập giữa 20% dân số thế giới ở các nước giàu và 20% ở các nước nghèo là 1:30 vào năm 1960, 1:60 năm 1990 và 1:74 vào năm 1997. Vào năm 1985, thu nhập bình quân tính theo đầu người ở các nước giàu gấp 76 lần so với các nước nghèo. Nhưng đến năm 1997, chỉ số này tăng lên 288 lần. Hiện nay 3 tỷ người trên thế giới có mức sống dưới 2 USD/ngày, và 1,3 tỷ người có thu nhập dưới 1 USD/ngày.
Một quan điểm khác về toàn cầu hóa mang tính trung lập. Họ gồm những nhóm người ít quan tâm đến hiệu ứng của hiện tượng này, và họ xem tiến trình này như một sự phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Một quan điểm đáng trân trọng của những học giả thuộc trường phái này là họ đang cố gắng lên tiếng bênh vực những nhóm người bất lợi về mặt sinh lý, địa lý, xã hội, giáo dục, tôn giáo, thu nhập và dân tộc. Đây là những người ít có tiếng nói hay cơ hội tiếp xúc với thế giới hiện đại, và vì thế họ không thể trực tiếp tham gia vào tiến trình này. Nhưng đồng thời vẫn có các tổ chức và cá nhân khác cố gắng bênh vực họ thông qua các tổ chức nhân đạo, phi chính phủ, các diễn đàn thế giới dành cho người nghèo, người khuyết tật… Những hoạt động của các tổ chức này đang được sự đồng tình của cộng đồng thế giới, và họ dần dần có tiếng nói mạnh mẽ trên trường kinh tế và chính trị quốc tế. Theo quan điểm này, toàn cầu hóa không còn là một xu thế phát triển một chiều từ các quốc gia đã phát triển áp đặt lên các nước đang phát triển nữa. Thật ra, tiến trình này đã có khuynh hướng di chuyển đa chiều giữa các quốc gia.
Nói chung, toàn cầu hóa được đề cập nhiều trong lĩnh vực kinh tế vì đây là quá trình làm gia tăng mối quan hệ, tác động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Nó thường được xem như là sự tự do hóa các hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế với sự điều hành của chính phủ từng quốc gia và các tổ chức quốc tế. Một đặc điểm nổi bật của hiện tượng này là sự dịch chuyển (hay còn gọi là «dòng chảy») của bốn yếu tố: hàng hóa – dịch vụ, di – nhập cư, khoa học kỹ thuật và tiền tệ (ở dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI) trong giai đoạn tự do thương mại (cho dù không phải là tự do hoàn toàn).
CÁC GIẢ THUYẾT VỀ LỊCH SỬ TIẾN TRÌNH TOÀN CẦU HÓA
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về quá trình hình thành và phát triển của toàn cầu hóa dựa trên sự tiến hóa của nhân loại từ thời kỳ du mục đến nông nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp và thời đại thông tin ngày nay. Nhưng nói chung, tiến trình này luôn bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự lớn mạnh của kinh tế tư bản chủ nghĩa đi từ chủ nghĩa phong kiến sang thực dân và đế quốc. Ở từng thời kỳ khác nhau thì toàn cầu hóa đều có bản chất khác nhau và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, thông tin và sản xuất nửa sau thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đã thật sự làm thay đổi đời sống con người và thế giới. Ví dụ như tàu thủy chạy bằng hơi nước được phát minh năm 1807, và tàu thủy vượt Đại Tây Dương được đóng năm1817. Ngoài ra, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước được chế tạo ở Anh năm 1802, và xe lửa chạy trên đường sắt kéo nhiều toa với tốc độ nhanh hơn trước được chế tạo năm 1814. Máy điện tín được phát minh ở Nga và Mỹ vào giữa thế kỷ 19 giúp nhân loại tiết kiệm nhiều thời gian trong thông tin liên lạc. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phân hóa học lần đầu tiên được sử dụng vào thế kỷ 19. Đối với ngành công nghiệp tiêu dùng, phương pháp sản xuất nhôm nhanh và rẻ được phát minh vào cuối thế kỷ 19. Những phát minh trong thế kỷ 20 như ti vi, máy vi tính, máy bay, xe hơi, kỹ thuật lai tạo trong công nghệ di truyền, v.v... đã thật sự giúp nhân loại thu hẹp lại khoảng cách và thời gian, tạo điều kiện cho sự ra đời của nền kinh tế tri thức (với bốn cột trụ là công nghệ sinh học, công nghệ ngoài không gian, công nghệ thông tin, và vật liệu mới) và kinh tế sáng tạo (chủ yếu dựa trên nghiên cứu và phát triển). Biên giới kinh tế, văn hóa và xã hội của từng quốc gia riêng biệt trở nên mỏng mảnh, và nhân loại có xu hướng xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Với lý thuyết về dịch chuyển lao động và sự phát triển của thuyết tự do mới, các tác giả như Mittelman (2000) hay Giáo sư Dapice (2002) cho rằng toàn cầu hóa đã trải qua ba thời kỳ chính. Thời kỳ thứ nhất xuất hiện cách đây khoảng 5.000 năm khi một số nhóm người đã bắt đầu vượt khỏi biên giới của bộ tộc hay lãnh thổ của mình để xâm chiếm dân tộc khác, hay chỉ để trao đổi hàng hóa và tìm nơi định cư mới. Thời kỳ thứ hai bắt đầu cùng với sự ra đời của chủ nghĩa thực dân, tư bản và công nghiệp hóa xảy ra cách đây khoảng 400 năm và kéo dài đến thập niên 1970. Trong suốt thế kỷ 18, thế giới đã chứng kiến một sự di dân ồ ạt của khoảng 10 triệu nô lệ da đen sang các nước thực dân và các nước thuộc địa của Anh và Pháp đang bị khai thác do tình trạng thiếu lao động ở các nước này. Đầu những năm thế kỷ 20, hàng triệu người đổ xô đến các «vùng đất hứa» ở Mỹ hay Úc để đào vàng. Nguyên nhân chính vẫn là do sự đói nghèo, sự đe dọa về chiến tranh và hạn chế về cơ hội nghề nghiệp ở các nước châu Âu. Đến những năm 1960, Mỹ bắt đầu vươn mình trở thành siêu cường quốc sau Thế chiến thứ hai, và thế giới một lần nữa chứng kiến sự di chuyển ào ạt lực lượng lao động có kỹ năng và bán kỹ năng từ các nước châu Âu sang Bắc Mỹ, gây ra chảy máu chất xám đến mức Liên Hợp Quốc phải lên tiếng báo động vào năm 1967.
Trong thời kỳ thứ ba xảy ra kể từ những năm 1970, các nước tư bản phải đối phó với sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods (được 44 quốc gia thành lập vào năm 1944 và chấm dứt hoạt động vào tháng 8 năm 1971 do lạm phát kéo dài của nền kinh tế Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam kéo theo sự tuột giá của đô-la Mỹ), và sự khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng xảy ra tại châu Âu. Các nước đã và đang phát triển đã phải áp dụng các chiến lược phát triển kinh tế mới, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và tận dụng đồng vốn đầu tư từ nước ngoài và tư nhân. Những khái niệm cô lập các hoạt động kinh tế từ thập niên 60 để bảo vệ nền kinh tế nội địa ở các nước đang phát triển bắt đầu bị phê bình. Các nhà kinh tế thuộc trường phái tự do mới (với cao trào xuất hiện vào những năm cuối thập niên 70) tin rằng giữa các quốc gia, bất kể là nước giàu hay nghèo, đều có chung những qui luật phát triển kinh tế. Theo quan điểm này, chính phủ các nước phải giảm vai trò kiềm chế cứng nhắc của mình trong các hoạt động kinh tế, đồng thời khuyến khích tự do mậu dịch và áp dụng các qui tắc về lợi thế so sánh. Mặc dù quan điểm tự do mới bị chỉ trích gay gắt về tính nhân văn trong cạnh tranh kinh tế bởi những học giả hậu cấu trúc luận, thời kỳ này được xem là giai đoạn chuyển tiếp của toàn cầu hóa sang một bước phát triển mới kể từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và thế giới được sắp xếp lại theo một bố cục mới.
Theo quan điểm về sự phát triển của chủ nghĩa thực dân, một số nhà lịch sử cho rằng hiện tượng toàn cầu hóa trải qua ba thời kỳ với lần một xảy ra vào thế kỷ 16, lần hai vào thế kỷ 19, và lần ba kéo dài trong những năm cuối thế kỷ 20. Cả hai làn sóng đầu tiên đều xuất phát từ tham vọng bành trướng đất đai của những người lãnh đạo châu Âu. Hiện tượng này đã dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa thực dân đầu tiên ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, kế tiếp đến Anh và Pháp. Sự kiện lịch sử quan trọng nhất giữa hai giai đoạn này là việc thực dân châu Âu xâm chiếm châu Mỹ, Úc và Phi; khiến người Mayas, Aztecs và thổ dân Aborigines ở Úc mất hết đất đai và trở thành nô lệ cho người da trắng. Những nước kém phát triển khác như Việt Nam, Ấn Độ, Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, An-giê-ri, Ma-rốc… trở thành thuộc địa của Anh và Pháp. Với những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất của Anh vào nửa cuối thế kỷ 18, giai cấp tư bản châu Âu trở thành lực lượng chủ yếu thúc đẩy tiềm lực kinh tế trong xã hội bên cạnh việc bần cùng hóa giai cấp vô sản. Sự phân biệt giàu nghèo xảy ra không chỉ tại các nước tư bản thực dân mà còn tạo nên sự cách biệt thu nhập trên thế giới. Ví dụ, vào cuối những năm 1890 thu nhập bình quân của các nước Tây Âu cao hơn các nước Đông Âu gấp 80%. Cuối thế kỷ 19, Anh từng tự hào với sức mạnh quân đội của họ, và cho rằng «Mặt trời chưa bao giờ lặn ở Anh.» khi thuộc địa của họ trải rộng khắp nơi trên địa cầu. Vào những năm 1800, châu Âu chiếm được khoảng 35% lãnh thổ trên thế giới, và con số này tăng lên 67% vào năm 1878 và 85% năm 1914. Tuy vậy, thực dân phương Tây vẫn luôn đối mặt với các sự phản kháng mãnh liệt từ các nước thuộc địa, gây ra biết bao thiệt hại về con người và vật chất. Thật vậy, trong những năm 1910 chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của 38 triệu người. Chiến tranh Thế giới thứ nhất không phải là liều thuốc giải quyết chiến tranh, mà nó đã tạo nên một thế giới bị tàn phá thảm hại ngay sau đó.
Đến sau Thế chiến thứ II, Mỹ trở thành cường quốc số một trên thế giới với tham vọng bá chủ toàn cầu đã hình thành chủ nghĩa đế quốc, bành trướng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của mình đến các nước kém phát triển. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20, toàn cầu hóa không còn được xem như sự xâm chiếm lãnh thổ mang tính vũ trang nữa, mà nó là sự hội nhập và lấn át giữa các nền kinh tế, các mâu thuẫn kinh tế và chính trị hầu như được giải quyết trong hòa bình, ngoại trừ những nạn khủng bố của các nhóm chính trị cực đoan. Kể từ cuối thập niên 80, có bốn sự kiện lớn ảnh hưởng đến tiến trình toàn cầu hóa: (1) sự lớn mạnh của các công ty xuyên quốc gia nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong giao thông, công nghệ thông tin và viễn thông; ví dụ như Toyota, Boeing, Sony, LG, v.v... (2) sự giảm thiểu vai trò điều hành của chính phủ các nước phương Tây trong các hoạt động kinh tế tài chính; thay vì vậy, chính phủ tích cực đóng vai trò điều hòa và tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế quốc tế, (3)sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, và (4) sự ảnh hưởng to lớn về mặt tài chính lên lĩnh vực chính trị ở các quốc gia đã phát triển.
Nếu nói theo lý thuyết về sự phát triển thương mại quốc tế và các tổ chức kinh tế quốc tế, các nhà kinh tế - sử học khác cũng phân chia quá trình phát triển của toàn cầu hóa dựa trên bốn giai đoạn lịch sử kể từ thế kỷ 14. Giai đoạn một bắt đầu từ những năm 1350 khi mạng lưới thương mại, trao đổi động vật, hàng hóa (gồm vải vóc, đồ gốm sứ, hồ tiêu, quế…) giữa châu Âu và Trung Quốc phát triển mạnh. Mạng lưới này kéo dài từ Pháp và Ý dọc theo biển Địa Trung Hải đến Ai Cập, và sau đó theo đường bộ xuyên khắp Trung Á đến Trung Quốc. Thương mại đường biển cũng kéo dài từ biển Đỏ, qua Ấn Độ Dương, vòng qua eo Malacca đến bờ biển Trung Quốc, và nó phát triển mạnh từ những năm cuối thế kỷ 15 khi châu Mỹ được tìm ra một cách tình cờ trong quá trình tìm ra một con đường tơ lụa bằng đường biển của thực dân châu Âu cũ. Trao đổi thương mại giữa các quốc gia trong thời kỳ này được sự bảo hộ của quân đội nhà nước để tránh việc cướp bóc. Bù lại, các thương nhân phải trả thuế mỗi khi họ vận chuyển ngang một vùng lãnh thổ mới. Giao thương trong thời kỳ này được xem như «chuỗi ngọc trai» khi từng phần địa lý kết nối lại để tạo nên hệâ thống kinh thương quốc tế.
Giai đoạn hai bắt đầu từ năm1500 đến 1700 khi các nhà cầm quyền châu Âu (điển hình là Bồ Đào Nha, sau này liên kết với Hà Lan, Pháp và Anh) xâm chiếm châu Phi. Với hệ thống hải quân mạnh mẽ họ có thể bắt buộc các thương nhân trả thuế dọc tuyến đường Ấn Độ Dương. Đến những năm1700, trao đổi hàng hóa trên thế giới trở nên chuyên nghiệp hơn khi một số thương nhân và chính phủ châu Âu đã sáng lập ra các công ty thương mại vận tải biển đầu tiên để mua bán sỉ và lẻ có huê hồng theo tuyến Âu – Á. Thời kỳ thứ ba bắt đầu vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 khi khoa học kỹ thuật với hệ thống đường sắt và tàu thủy hơi nước phát triển, đã giúp cho con người tiến lại gần nhau hơn. Nhưng đồng thời, châu Âu dần dần mất vai trò kiểm soát châu Mỹ, đầu tiên ở phía Bắc, sau lan rộng đến miền Nam nước này. Với cuộc cách mạng giành độc lập ở Mỹ với Hiệp ước Vec-xai năm 1783, các cuộc phản kháng ở Haiti và Pháp, các nước thuộc địa bắt đầu nhận thức rõ hơn về quyền độc lập lãnh thổ và kinh tế của họ. Trong suốt thời kỳ này, chính phủ phải giữ vai trò điều hành kinh tế thông qua các đạo luật thương mại. Từ thời kỳ Thế chiến thứ hai kéo dài đến giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh, các nước tư bản, và kể cả các nước kém phát triển, mới bắt đầu bước lại gần nhau trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và cho ra đời hàng loạt các tổ chức quốc tế và khu vực.
Một quan điểm khác cho rằng toàn cầu hóa trải qua ba thời kỳ. Lần thứ nhất xảy ra từ năm 1870 đến 1914 khi có khoảng 60 triệu người (chiếm 10% lực lượng lao động trên thế giới lúc đó) di cư từ châu Âu đến Mỹ để tìm vàng, hay để tìm cuộc sống tốt hơn ở vùng đất mới được khám phá này. Sự di cư này càng kích thích sự phát triển của giao thông và thông tin, khiến cho hàng hóa, sức lao động và tiền bạc được di chuyển giữa các quốc gia. Làn sóng thứ hai xảy ra từ năm 1950 đến 1980 khi Thế chiến thứ II kết thúc, và kinh tế – chính trị thế giới được phân chia thành hai cực: tư bản và xã hội chủ nghĩa. Bộ ba Mỹ, Tây Âu và Nhật đã liên kết chặt chẽ để đẩy mạnh kinh tế tư bản lên một tầm mới thông qua các tổ chức quốc tế và các vòng đàm phán thương mại như GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch, và vòng đàm phán Uruguay của GATT kéo dài trong 8 năm từ 1986 đến 1994 đã dẫn đến hiệp ước thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO) hay IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Bên cạnh đó, trong thời kỳ từ những năm 1950 đến 1960, các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới cũng bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động của họ vào các nước đang phát triển không thuộc khối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt ở các nước Mỹ La-tinh. Kể từ sau những năm 1980 được xem là thời kỳ thứ ba của toàn cầu hóa khi các quốc gia đã bắt đầu ký kết các hiệp định song và đa phương về mặt kinh tế thông qua sự điều hành của các tổ chức quốc tế, mà điển hình là WTO. Nhìn chung trong thời kỳ này các công ty đa quốc gia dần dần có ảnh hưởng mạnh đến vai trò điều hành của các chính phủ.
Toàn cầu hóa đã thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh (sau 1989) khi các nước tiến lại gần nhau hơn về mặt hợp tác kinh tế. Một mặt, vì lo ngại rằng mình có thể bị tụt hậu trong cuộc đua marathon này, chính phủ các nước nhanh chóng tận dụng khoa học công nghệ, mở cửa nền kinh tế, tăng cường thương mại và đầu tư. Mặt khác, các quốc gia cũng phải đối mặt với các tệ nạn như di – nhập cư bất hợp pháp, cá cược – bài bạc, tin tặc, mua bán ma túy, khủng bố, mãi dâm hay rửa tiền. Một điều gây đau đầu các nhà lãnh đạo là những tệ nạn này, trực tiếp hay gián tiếp, đều đóng góp vào GDP của họ và tạo nên một nền «kinh tế tội phạm». Theo một báo cáo của UNDP năm 1999, chỉ số an toàn của nhân loại đã có chiều hướng giảm xuống trong các lĩnh vực cá nhân, sức khỏe, môi trường và chính trị. Chẳng hạn gần đây trên thếâ giới có khoảng 200 triệu người sử dụng chất ma túy, nửa triệu phụ nữ và các em gái ở các nước đang phát triển bị bán sang các nước Tây Âu. Các cơn bão El Nino và La Nina do sự tăng nhiệt độ của địa cầu đã khiến 22.000 người chết, 118 triệu người bị thương, gây thiệt hại 33 tỷ đô-la. Nhân loại bắt đầu quan tâm về những vấn đề của từng quốc gia có thể ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và luôn tìm ra những giải pháp và chiến lược phát triển mang tính bền vững. Toàn cầu hóa đã thật sự làm thay đổi mọi mặt trong đời sống con người.
Thật ra, kể từ những năm 1980 kinh tế thế giới đã bắt đầu bước vào ngưỡng cửa chung toàn cầu. Giai đoạn này đã chứng kiến sự lớn mạnh của vận tải hàng không, công-ten-nơ hóa, thông tin liên lạc, công nghệ sinh học và Internet. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, những thành tựu khoa học này đã giúp cho thế giới thu hẹp lại rất nhiều bằng «tốc độ cao, khoảng cách nhỏ, mật độ cao và cường độ lớn». Tận dụng sự chêch lệch của múi giờ và khả năng vận tải siêu tốc của máy bay, thương nhân có thể họp ở Singapore vào sáng nay và dự một cuộc họp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh vào buổi chiều cùng ngày. Thông tin dự báo về thiên tai có thể được phát đi khẩn cấp trước một tuần, và các nước hay lãnh thổ lân cận cũng được cảnh báo nhờ vào các thiết bị vệ tinh. Thông qua mạng truyền thông báo chí, những vấn đề hay nhân vật trên thế giới mà trước đây chúng ta chưa hề biết đến nay lại trở thành tiêu điểm thảo luận hàng ngày như việc bầu cử ở Mỹ, đại dịch SARS hay cuộc thánh chiến của Bin Laden. Dường như thế giới chúng ta xích lại gần nhau hơn về kinh tế khi lịch sử cho thấy rằng sự co cụm kinh tế sẽ dẫn đến sự sụp đổ tất yếu về chính trị xã hội. Mở cửa kinh tế và thị trường hóa các hoạt động kinh tế đã giúp cho nhiều quốc gia ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo nghèo đói và lạc hậu của mình để vươn mình vào thị trường quốc tế. Một trong những yếu tố dẫn đến sự nhảy vọt về kinh tế và nâng cao chuẩn mực sống của các nước là khả năng truy cập, sử dụng thông tin và kiến thức nhanh và hữu hiệu nhất. Kiến thức ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và thịnh vượng chung của một quốc gia, và điều này đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp – thông tin lần thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế tri thức chiếm khoảng 45 – 50% GDP ở các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, khoảng hơn 50% ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Với bốn ngành chủ đạo của nền kinh tế tri thức gồm công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ ngoài không gian và kỹ thuật vật liệu mới, đã phá vỡ những rào cản kiến thức, giúp nhân loại tiến lên một tầm văn minh mới, cùng nghiên cứu và sản sinh ra kiến thức mới hơn.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, có nhiều giả thuyết khác nhau về lịch sử của toàn cầu hóa, nhưng nói chung tiến trình này gắn chặt với sự tiến hóa lịch sử của nhân loại, mà trong đó thương mại quốc tế gia tăng với sự dịch chuyển của hàng hóa - dịch vụ, con người, ý tưởng - phát minh - kiến thức, và tiền tệ theo hướng tiêu cực lẫn tích cực. Ngoài ra, tiến trình này còn làm giảm sút vai trò điều hành của các chính phủ trong các hoạt động kinh tế bên cạnh sự gia tăng ảnh hưởng của các tổ chức và tập đoàn quốc tế với các chuẩn mực quốc tế được thành lập và áp dụng (ví dụ như ISO). Bởi vì toàn cầu hóa luôn bao gồm tính hai mặt như tính quốc tế - quốc gia, toàn cầu - địa phương, truyền thống - ngoại lai, hay tích cực - tiêu cực; sự thâm nhập những sản phẩm văn hóa nước ngoài dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa đa văn hóa, đồng hóa và lai căng là điều không thể tránh khỏi đang xảy ra ở nhiều nước. Tiến trình này cũng làm phân cực giàu - nghèo và phân tầng xã hội càng trở nên phổ biến hơn. Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh khi nói về toàn cầu hóa như một vấn đề «thời tiết» không thể tránh khỏi. Chúng ta phải dự báo nó đúng lúc, chính xác và am hiểu qui luật vận động của tiến trình này để có thể tận dụng thời cơ hay tìm ra các biện pháp thích hợp để phòng ngừa các ảnh hưởng xấu.
NGUYỄN HỒNG CHÍ
(24 / 07 / 2006)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Albrow, M., & King, E. (1990). Globalization, knowledge and society. London: Sage.
Bourdieu, P., & Wacquant, L. (2000). La nouvelle vulgate planetaire. Le Monde Diplomatique. May 1st, 2000.
Burbules, N. C., & Torres, C. A. (2000). Globalisation and education: An Introduction. In N. C. Burbules, & C. A. Torres (Eds.), Globalisation and education: Critical perspectives(pp. 1-26). New York: Routledge.
Castells, M. (1999). Flows, networks, and identities: A critical theory of the informational society. In M. Castells, R. Flecha, P. Freire, H. A. Giroux, D. Macedo, & P. Willis (Eds.),Critical education in the new information age. Lanham, Oxford: Rowman & Littlefield Publishers, Inc.
Christie, P., & Sidhu, R. (2002). Responding to globalization: Refugees and the challenges facing Australian schools. Mots Pluriels, 21, May.
Dapice, D. (2002). Globalization: History, current outlook, and implications for Vietnam. Fulbright Economics Teaching Program in Vietnam. Available:
Dirlik, A. (1996). The global in the local. In R. Wilson, & W. Dissanayake (Eds.), Global/local: Cultural production and the transformational imaginary. Durham: Duke University.
Do, D. D. (2003). Nhung co so ly thuyet, thuc tien va xu huong dieu chinh chinh sach kinh te doi ngoai o mot so nuoc chau A trong boi canh toan cau hoa va tu do hoa (Theoretical and practical bases and tendencies to regulate foreign economic policies in some Asian countries in the contexts of globalization and liberalization). Hanoi: The Gioi Publishing House.
Giddens, A. (1990). The consequences of modernity. Stanford, California: Stanford University Press.
Head, K. (1997). Mechanisms. Available: http://pacific.commerce.ubc.ca/keith/Lectures/mne2.html
Luke, A, & Luke, C. (2000). A situated perspective on cultural clobalisation. In N. C. Burbules, & C. A. Torres (Eds.), Globalisation and education: Critical perspectives (pp.275-297). New York: Routledge.
Marginson, S. (1993). Education and public policy in Australia. Cambridge: Cambridge University Press.
Mason, R. (1998). Globalizing education: Trends and applications. London, New York: Routledge.
McGrew, A. G. (1992). Modernity and its future. Cambridge: Polity Press.
Mittelman, J. (2000). The globalization syndrome: Transformation and resistance. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Mok, J. K. H., & Lee, M. H. H. (2003). Globalization or glocalization? Higher education reforms in Singapore. Asia Pacific Journal of Education, 23 (1), 15-42.
Ohmae, K. (1990). The borderless world. Power and strategy in the interlinked economy. New York: Harper Business.
Phan, N. L. et al.(2003). Lịch sử 8. Ho Chi Minh City: Nhà Xuất bản Giáo dục.
Reich, R. (1991). The works of nations. London: Simon and Schuster.
Robertson, R. (1992). Globalization as a problem. Globalization: Social theory and global culture. London: Sage.
Stiglitz, J. (1998). Towards a new paradigm for development: Strategies, policies, and processes. Geneva: UNCTAD.
Tabb, W. K. (1999). Progressive globalism: Challenging the audacity of capital. Monthly Review, 50 (9), 1-10.
Tai lieu boi duong kien thuc co ban ve hoi nhap kinh te quoc te. (2004). Ha Noi: Bo Thuong mai.
Tomlinson, J. (1999). Globalization and culture. Cambridge: Polity.
UNDP Human Development Reports. (1999). New York.
Vu, T. H. (2000). Influences of globalization on developing countries and the integration of Vietnam (Anh huong cua toan cau hoa doi voi cac nuoc cham tien va tien trinh hoi nhap cua Vietnam). Vietnam Prospect (Vien tuong Vietnam). Available:
Vu, T. T. A. (2006). Tan man toan cau hoa. Fulbright Economics Teaching Program in Vietnam. Available:
Waters, M. (2001). Globalization (2nd ed.). London: Routledge.
Wikipedia, The Free Encyclopedia. Available:
Yeung, H. W. (2001).Questioning the uneven terrains of economic globalization. Paper presented at the Conference on "Geographies of Global Economic Change" at the Graduate School of Geography, Clark University, USA, 12-14 October.
Yeung, H. W. (2003). The limits to globalization theory: A geographic perspective on global economic change. Economic Geography, 78 (3), 1-21.
|
Original source: http://vietsciences.free.fr/timhieu/tramhoa/toancauhoa.htm
0 comments:
Post a Comment